Dẫn đầu xu thế: Các nền kinh tế phát triển nhanh ở Đông Nam Á giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng như thế nào

image

Các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan đang có một vị thế lý tưởng để chuyển trọng tâm giáo dục và trang bị cho giới trẻ kỹ năng cần thiết để họ thành công trong bối cảnh thế giới đang không ngừng chuyển đổi số hóa. 
  
Thị trường việc làm đang thay đổi và tất cả các bên liên quan (sinh viên, cơ sở giáo dục và cơ quan chính phủ) phải xác định và thích nghi với những xu thế mới nhất, để có thể chuẩn bị tốt nhất cho học viên và cung cấp cho họ những kỹ năng cần thiết cho thị trường việc làm tương lai. 
  
Nghiên cứu của Pearson đã chỉ ra rằng, mặc dù lực lượng lao động trên toàn khu vực đang dồi dào và dự kiến sẽ tăng ở mức ổn định trong vài năm tới, nhưng sự thiếu hụt kỹ năng có nguy cơ sẽ kìm hãm sự phát triển của các nền kinh tế Đông Nam Á. Kỹ năng cứng như năng lực kỹ thuật và kỹ năng mềm như giao tiếp, cùng với tinh thần sẵn sàng học hỏi xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp là điều vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng, đồng thời giúp các quốc gia Đông Nam Á có thể cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế.  
  
Những sinh viên hiện nay đang cân nhắc ngành học và phương thức học sẽ chính là những người bước vào thị trường việc làm những năm 2030. Và đó là một thị trường đầy ẩn số. Theo như báo cáo thị trường của McKinsey, sự thay đổi cần xuất phát từ bậc tiểu học, vì 85% học sinh của ngày hôm nay sẽ làm việc ở những ngành nghề chưa hề tồn tại, khi các em bước chân vào thị trường lao động năm 2030. Chính vì thế, điều tối quan trọng là dạy cho học viên biết cách linh hoạt để thích ứng và học hỏi các kỹ năng mới trên con đường học tập và sự nghiệp của mình.  
  
Để biết mô hình làm việc trong tương lai, chúng ta chỉ cần nhìn trực diện vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số không ngừng nghỉ trên thế giới – còn được gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Xu hướng toàn cầu hoá và tự động hoá cũng đang thay đổi cách các công ty làm việc. Học hỏi các kỹ năng để đáp ứng theo bối cảnh nghề nghiệp không ngừng thay đổi sẽ là chìa khoá dẫn đến thành công trong những năm tới.   

Một cơ hội vàng 

Có rất nhiều cơ hội cho sự đổi mới và cải thiện ở các quốc gia Đông Nam Á, như Thái Lan và Việt Nam. Theo số liệu mới đây từ Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện nay, gần một nửa lực lượng lao động Việt Nam và hơn 3/4 người lao động Thái Lan được xếp hạng “có kỹ năng trung bình”. 
  
Hai quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi – đi từ tăng trưởng dựa trên nông nghiệp và sản xuất đến nền kinh tế dựa trên tri thức và năng động hơn. Điều này mang đến một cơ hội lý tưởng để tái tập trung ưu tiên giáo dục của hai quốc gia và trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết cho mai sau.  
  
Trong tương lai, mục tiêu của chính phủ hai nước là chuyển hướng mũi nhọn hướng tới hai trọng điểm: tỷ lệ lao động có kỹ năng cao sẽ chiếm phần lớn hơn trong lực lượng lao động tương ứng; và đào tạo ra lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, qua đó thu hút thêm đầu tư bên ngoài.   
  
Do đó, với chính phủ hai nước, đào tạo nghề đã trở thành ưu tiên hàng đầu, bao gồm hỗ trợ các cơ sở triển khai các chương trình như khoá học BTEC dựa trên kinh nghiệm và dạy nghề của Pearson.

Nền giáo dục toàn diện

Chính quyền Thái Lan và Việt Nam đều mong muốn nhìn thấy sự cải thiện ở các kỹ năng cứng – năng lực kỹ thuật cụ thể, lĩnh hội được, chẳng hạn như trình độ công nghệ thông tin, khả năng đọc viết thành thạo, cũng như kỹ năng thuyết trình và quản lý dự án.  
  
Theo quan điểm của ông Stuart Connor, Giám đốc Khảo thí & Văn bằng của Pearson châu Á, những kỹ năng cụ thể trên cần được giảng dạy trực tiếp. Đồng thời, ông Stuart cũng cho rằng những kỹ năng chung hoặc kỹ năng mềm vốn là bẩm sinh nhưng không kém phần quan trọng. Ví dụ như kỹ năng giao tiếp và ứng xử, bao gồm khả năng hợp tác, kết nối và cảm thông với đồng nghiệp.  
  
Quan trọng không kém là kỹ năng giao tiếp mềm. Học sinh, sinh viên cần học được cách phối hợp hiệu quả giữa các nền văn hoá, biên giới và ngôn ngữ. Ông Simon Young, Quản lý Danh mục BTEC của Pearson châu Á cho rằng một phần trong kỹ năng này là khả năng tiếng Anh tự tin – vốn là phương tiện giao tiếp phổ biến trên toàn cầu.  
  
Ông Simon phát biểu: “Có vẻ như tiếng Anh đã trở thành một kỹ năng quan trọng để giao tiếp trong kinh doanh, dù bạn đảm nhiệm bất cứ vai trò nào. Vì vậy, tại các quốc gia như Thái Lan, với lực lượng lao động địa phương hùng hậu, việc tương tác với các bộ phận khác đòi hỏi phải có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh”. 
  
Khi thế giới đang kết nối mạnh mẽ hơn và biên giới không còn là vấn đề quá quan trọng trong kinh doanh toàn cầu, thì ngày càng có nhiều người lao động xem tiếng Anh là yếu tố quan trọng để phát triển sự nghiệp. Theo một nghiên cứu của Pearson, có đến 9/10 nhân viên toàn cầu nhất trí với quan điểm này. Tuy nhiên, có ít hơn 1/10 người cảm thấy rằng khả năng tiếng Anh của mình có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là một lỗ hổng kỹ năng tối quan trọng cần được giải quyết, vì khả năng ngôn ngữ cũng là chìa khoá để mài giũa kỹ năng mềm. 
  
Ông Stuart chia sẻ: “Chỉ riêng kỹ năng ngôn ngữ sẽ không giúp cho một người được tuyển dụng, nhưng một người có khả năng được tuyển dụng cao hơn nếu họ có kỹ năng ngôn ngữ, bởi nó hỗ trợ phát triển nhiều kỹ năng khác (như kỹ năng giao tiếp và cộng tác) cần có để được tuyển dụng. Nếu bạn là người Việt Nam hoặc người Thái mà có thể nói tiếng Anh, bạn cũng đang đạt được rất nhiều kỹ năng mềm cần có rồi”.